Chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ khí thế như hiện nay. Khởi nghiệp dường như đang trở thành một xu hướng trong giới trẻ. Nhiều bạn muốn thử sức mình ở một con đường đầy rẫy những tấm gương thành công và trở thành một người thành đạt. Có thể nói, người trẻ Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và có những bước đột phá tích cực trong kinh doanh.
1.Đam mê khởi nghiệp…
Tôi đã gặp rất nhiều người, đa số là các bạn trẻ ở độ tuổi 18-27. Tất cả các bạn đều ánh lên một vẻ khát khao học hỏi và niềm đam mê cháy bỏng, tích cực networking và gặp gỡ những anh chị giám đốc đã có danh tiếng. Trong thâm tâm, tôi rất vui mừng vì sự thay đổi của những bạn trẻ tràn đầy sức sống. Điều mà cách đây chỉ 5 năm thôi, là thứ gì đó rất xa vời và mộng tưởng…
Startup bao gồm hai phần start và up. Khi có ý tưởng, bạn sẽ hình thành một công ty sau đó điều hành hoặc bán công ty đó. Tuy nhiên, một vài bạn trẻ Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc lên ý tưởng sau đó kêu gọi vốn hoặc bán ý tưởng mà chưa có giai đoạn “ăn dầm nằm dề” và sống chết với dự án khởi nghiệp của mình. Các bạn nên gắn bó và đầu tư công sức thay vì dừng lại ở việc lên ý tưởng rồi bán nó lấy tiền.
Thay vì tư duy lối mòn: đi học, ra trường, tìm một việc làm ổn định thì hiện nay, người trẻ ngày càng khao khát sở hữu những công ty, cửa hàng, dự án khởi nghiệp của riêng mình. Đây là một động thái tích cực cho thấy người trẻ Việt Nam ngày càng có bản lĩnh, phát huy được những thế mạnh của mình.
Trong quá trình khởi nghiệp, mỗi bạn trẻ sẽ có những ý tưởng độc đáo riêng nhưng quan trọng nhất là cần phải hiện thực hóa những ý tưởng ấy. Trường học dạy bạn làm việc khi đi làm thuê nhưng muốn trở thành những ông chủ, bạn phải học từ những tương tác xã hội và phải tự vươn lên bằng sức của chính mình. Việc không ngừng học hỏi, tìm những người thành công và học hỏi những kỹ năng từ họ là nền tảng không thể thiếu trong khởi nghiệp. Khi bạn giỏi những kỹ năng, bạn mới có thể đem bán hoặc sử dụng những kỹ năng đó để kiếm tiền.
2.Thành công bắt nguồn từ : Sự sẵn sàng của bản thân + Sự sẵn sàng của cac nguồn lực + Sự sẵn sàng thị trường
Sự sẵn sàng của bản thân: Hãy hỏi bản thân tại sao ta lại bắt đầu? Tại sao lại là ý tưởng này? Tại sao lại là mình? kiến thức và kinh nghiệm của bản thân có phù hợp không? Hãy dành thời gian để tìm hiểu và khám phá trong tận trái tim mình, đây là quá trình cực kỳ quan trọng và đóng vai trò hạt nhân cho hành trình vạn dặm của bạn.
Sự sẵn sàng của các nguồn lực: Bạn có tiền không? bạn có ai hỗ trợ không? Bạn có mentor nào chưa…
Các nguồn lực tài chính và xã hội là rất quan trọng, được ví như nhiên liệu cho quá trình vận hành một cỗ máy. Bạn có thể không có nhiều tiền, nhưng hãy đầu tư tất cả những gì có thể trước khi gọi nhà đầu tư bên ngoài. Nhiều bạn trẻ có tư tưởng gọi vốn từ người khác còn mình chỉ đầu tư công sức, một khi bạn không hết mình trong việc nuôi nấng đứa con mình sinh ra, sẽ chẳng có ai bỏ 1 xu cho bạn cả. Việc thiếu kinh nghiệm là điều bình thường đối với bất cứ nhà sáng lập nào, hãy bổ sung điều đó bằng việc tăng cường kết nối và tìm sự hướng dẫn từ những mentor giàu kinh nghiệm, họ luôn muốn tìm cho mình một người kế thừa xứng đáng để truyền ” nội công” bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường.
Sự sẵn sàng thị trường: Nhiều bạn trẻ rất ngây thơ nghĩ rằng những gì mình cần thì thị trường cũng cần. Có một thế hệ kinh doanh theo kiểu cảm tính, thấy trào lưu là đua nhau bắt chước, không hề có sự tìm hiểu thị trường và tiến hành khảo sát sơ bộ.
Thời kinh doanh của các trọc phú và chủ nghĩa cơ hội đã qua. Thế kỷ 21 đòi hỏi một sự tiếp cận bài bản với thị trường từ những khâu khảo sát, hỏi ý kiến, tới chào hàng sản phẩm mẫu. Người xưa có câu ” biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, chúng ta chuẩn bị đầu tư vốn liếng thì hãy dành thời gian tìm hiểu xem người tiêu dùng có thực sự cần hay không? Chỉ khi cảm tính và kết quả chúng ta thăm dò có kết quả khá tương đồng, đó là dấu hiệu cho thấy một thị trường tiềm năng.
3.Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn
Trước khi khởi nghiệp, mỗi người trẻ cần trang bị những kiến thức cần thiết và luôn nhớ bắt đầu từ ba kỹ năng cơ bản: bán hàng, tiếp thị, quản lý tài chính. Những người khởi nghiệp thường sợ thất bại và sợ thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, việc học từ những thất bại đôi khi quan trọng hơn cả sự thành công. Đừng chỉ ngồi yên và không làm gì cả.