Trước tiên cần định nghĩa thế nào là doanh nhân. Buôn bán một thứ gì đó được gọi là doanh nhân, ra sở kế hoạch đầu tư xin cấp cái giấy phép kinh doanh đứng tên giám đốc là doanh nhân, hay phải có công ty doanh thu hàng tỉ đồng mới là doanh nhân?
Khác mục tiêu, khác cách nhìn
Ta thì cho rằng có công ty ăn nên làm ra là thành công, đi xe hơi bóng loáng là thành công. Tây thì khác, thành công không phải mua được thứ gì mà là làm được gì cho xã hội. Đơn cử, Bill Gates cùng vợ lập ra quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation và chi hàng chục tỉ đô-la Mỹ vì các mục đích từ thiện. Bên cạnh đó, ông còn đang ấp ủ và hứa hẹn trao cho bất kỳ ai hay tổ chức nào một trăm triệu đô-la Mỹ nếu phát minh ra loại bao cao su tuyệt vời hơn, ai cũng muốn dùng chứ không chán ngắt với cái loại vướng víu và tai hại nhất là gây mất cảm giác như loại hiện tại. Ông cũng cùng Mark Zuckerber, CEO của Facebook và nhiều nhà hảo tâm khác chi bộn tiền cho các hoạt động y tế, giáo dục cho các quốc gia nghèo ở Phi châu.
Các ngân hàng lớn như HSBC hay Citibank cũng chi ra hàng trăm triệu đô-la Mỹ cho các hoạt động CSR và trong đó có cả các hoạt động giáo dục và trợ giúp trẻ em nghèo ngay tại Việt Nam. Chúng ta thậm chí không biết đích danh ai đã làm việc này nhưng những thứ họ đem lại cho xã hội rất đáng được trân trọng.
Vì sao bỏ học được tôn vinh?
Một trong những cái cớ mà báo chí hay nói về những thiên tài như Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg là bỏ học mà trở thành tỷ phú. Bởi vì họ dám rời bỏ những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới như Havard, Stanford nơi mà cả thế giới thèm khát.
Hơn nữa, việc bỏ học ở trời Tây thực sự là vấn đề rất lớn. Vì, dù là nền giáo dục hiện đại, tinh thần thực học cao, chính vì lẽ đó nên chỉ khi thực sự xuất chúng còn không thì một sinh viên ra trường cũng chỉ là thành phẩm của một quá trình đào tạo và cũng chỉ nhận lương tương đương bằng cấp có được.
Evan Spiegel, được công nhận là tỉ phú trẻ nhất thế giới khi đạt đến danh hiệu này ở tuổi 25 nhờ ứng dụng Snapchat. Nhiều người cho rằng đây thực sự là ứng dụng vớ vẩn, nhắn tin và tin nhắn tự biến mất sau đó, có thế thôi nhưng vinh quang đã đến với những ý tưởng ngớ ngẩn hay điên rồ không theo quy luật nào. Evan theo học ngành thiết kế sản phẩm tại Đại học Stanford nhưng anh đã tự cho mình được “ra trường” trước các đồng môn.
Spotify, một dịch vụ âm nhạc trực tuyến ít được biết đến tại Việt Nam vì chưa “mở cửa” cho phép người Việt Nam dùng. Nó được sáng lập bởi Daniel Ek, được định giá đến 4 tỉ USD và tài sản của “ông chủ” ước tính 310 triệu USD và có điểm chung là Daniel chưa từng có tấm bằng đại học nào trong tay khi 14 tuổi (1997) anh đã là chủ một công ty khác.
Một cái tên khác không chỉ lẫy lừng trong lĩnh vực startup mà còn là “bình sữa” của giới startup tại Silicon. Đó là Peter Thiel, thiên tài về đầu tư mạo hiểm với hàng loạt “đứa con” như Paypal, Facebook, LinkedIn, Yelp, Palantir, Asana… Peter cho rằng “nếu muốn trở kỹ sư bác sĩ hay đi học đại học, nếu yêu thích một lĩnh vực nào đó tại sao không mạo hiểm?”.
Không phải ai bỏ học cũng thành công và tất nhiên chẳng ai quan tâm nếu học hành không ra gì và công việc cũng không đến đâu. Nếu thành công mà “vô tình” bỏ học trước đó thì đó chỉ là cái cớ cho cánh báo chí.
Doanh nhân không quan trọng xuất thân từ việc học trường nào mà quan trọng đã làm được gì cho xã hội. Với những con người như bầu Đức thì dù lần thứ 3 có trượt đại học vẫn còn cao hơn cái danh hiệu “doanh nhân”. Dù là điều hành một doanh nghiệp ăn nên làm ra, liệu rằng ông chủ có trả lương cho nhân viên đúng hẹn, trả nợ cho nhà cung cấp đúng như cam kết, đóng bảo hiểm cho nhân viên nghiêm túc hay vẫn trừ vào lương nhân viên nhưng lấy số tiền đó đi làm mục đích khác, hay có đóng thuế đúng và đủ nghĩa vụ? Tẩt cả những thứ đó nói lên phẩm chất đạo đức của một người làm kinh doanh, còn người làm kinh doanh đó là doanh nhân hay không là do cảm nhận của người đối diện.
Vũ Tâm