Khác biệt hóa nghe qua thì rất hay, rất sáng tạo, rất bay bổng đúng không? Ai cũng ao ước mình trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về sáng tạo. Sự thật là, sự sáng tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần đông chúng ta đều là kẻ bắt chước.
Nghĩ mà xem, mất bao nhiêu thời gian để thật sự sáng tạo ra một sản phẩm hay? Tốn bao nhiêu của cải và công sức nghiên cứu mà đôi khi, thứ tạo ra lại chẳng được đón nhận. Với nhiều người, chi bằng ta hãy đi sao chép cho khỏe.
Một kẻ đi sau có thể bắt chước những gì? Sản phẩm không phải là thứ duy nhất có thể sao chép, đó còn là:
– Cách định giá: Canh theo giá kẻ dẫn đầu và hạ chút xíu. Có thể bạn không tin nhưng cách định giá này vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp ta cạnh tranh đường dài, vừa đơn giản, vừa hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều anh tài áp dụng chiêu thức này đã dẫn đến cuộc chiến về giá, gây ra hậu quả tang thương sau đó.
– Nguồn thu mua: Anh mua hàng nơi này, tôi cũng sẽ mua hàng nơi này, trừ khi anh có được hợp đồng phân phối độc quyền, còn không chắc chắn tôi sẽ tìm ra dù có thế nào đi nữa. Suy cho cùng, đứng trên phương diện nguồn bán hàng, có thêm khách hàng quả là khó mà từ chối được. Nếu cao tay ấn hơn, nếu kẻ dẫn đầu chưa ký hợp đồng phân phối độc quyền, người đi sau rất có thể nẫng tay trên và độc chiếm nguồn hàng với giá mềm hơn.
– Nguồn phân phối: Đại lý của anh tôi vẫn có thể chen vào được nếu giá của tôi nhỉnh hơn anh (xài chiêu bắt chước định giá). Nếu tôi có thể nắm được toàn bộ hệ thống phân phối của anh kết hợp với giá thấp hơn chút, nghĩ xem họ sẽ mua của ai?
Ngoài ra, toàn bộ cách thức vận hành hệ thống cũng có thể được bắt chước với tỉ lệ lên đến hơn 90%. Điểm khác biệt còn lại chỉ có thể là con người, là một số bí quyết sản phẩm, là thương hiệu. Những thứ này vẫn có thể bị kẻ bắt chước khỏa lấp được bằng giá bán trong một chừng mực nào đó. Dù ta có bảo vệ thế nào đi chăng nữa, chắc chắn một điều rằng, lợi nhuận của ta sẽ bị giảm sút và thiệt hại có thể kéo dài theo thời gian.
Cổ nhân đã có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.” Vấn đề là làm sao để ta biết người mà người không biết ta. Nếu ai cũng biết được rõ ràng bạn đang làm gì, thực sự bạn sẽ gặp rắc rối lớn. (Xem bài Hỏa Mù)
Nhìn chung, bắt chước là một xu hướng không thể nào bị ngăn chặn. Nếu không thể là người dẫn đầu vĩ đại hãy trở thành một tay sao chép vĩ đại. Lịch sử đã chứng kiến nhiều kẻ đi sau vẫn vượt lên sống khỏe (Xiao Mi bắt chước Apple, giờ thì sao ai cũng đã rõ). Những tay đi sau không có gì là đáng sợ cho tới khi chúng ta thực sự gặp một tay “chuyên gia sao chép” thứ dữ. Khi không thể bóp nát được hắn, chúng ta đành ngậm ngùi chia chung cái bánh mà thôi. Trách hắn quá giỏi hay chúng ta quá ngu đây?…
Quốc Khánh