Ben Zimmer là người sáng lập và chủ tịch của Entrata – một công ty cung cấp phần mềm quản lý nhà đất tại Mỹ. Câu chuyện dưới đây được chính ông kể lại trên tạp chí Entrepreneur về con đường đi đến thành công của mình.
Tư tưởng mặc định rằng sếp lớn nhất định phải là những ông mặc suit nghiêm chỉnh hoặc đóng bộ chơi golf hoành tráng đã trôi dần vào dĩ vãng trong thời của những Mark Zuckerberg và Steve Jobs. Khi mà ngày nay hình ảnh những vị CEO chỉnh tề không còn mang nhiều tính đại diện, đặc biệt ở thung lũng Silicon, có thể hơi khó để mường tượng được hình ảnh chính bạn đang điều hành cả một công ty. Lúc mà tôi viết bản kế hoạch kinh doanh đầu tiên trong đời, tôi cũng chẳng bao giờ hình dung ra được bản thân mình sẽ là chủ tịch của một công ty vài triệu đô la.
Tôi bắt đầu kinh doanh từ khi còn là 1 cậu sinh viên trẻ chẳng có chút kinh nghiệm nào giắt lưng, và bây giờ đã có một trong những công ty phần mềm phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực bất động sản, kiếm về vài triệu đô la doanh thu hàng năm. Chính tuổi trẻ và sự ngông cuồng đã dẫn dắt tôi từ một cậu sinh viên luật chưa tốt nghiệp trở thành một ông chủ. Và dưới đây là cách mà chúng tôi đã làm.
Lăn xả vào và làm việc cật lực
Vụ làm ăn đầu tiên tôi làm với bạn tôi, Dave Bateman, là kiếm tiền từ dân xung quanh thị trấn bằng việc sơn địa chỉ nhà cho họ. Chúng tôi lúc đó là sinh viên, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đã để sự sáng tạo dẫn dắt và luôn đầy ắp máu kinh doanh; không ngừng tìm kiếm những thứ tiếp theo có thể khiến chúng tôi tiêu khiển hoặc kiếm tiền.
Ý tưởng kinh doanh tiếp theo nảy sinh ra từ chính những khó khăn bọn tôi gặp phải trong việc nhận thư khi còn đang làm tình nguyện viên nhân đạo tại Honduras. Ý tưởng đó được biến thành dịch vụ online cho ngành bán lẻ mà đến nay giúp chuyển hàng trăm ngàn lá thư và bưu kiện mỗi năm. Trong vụ này, ít nhất là chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn về mà chúng tôi có tí chút kinh nghiệm.
Lần kế tiếp khi chúng tôi mở Entrata thì lại hoàn toàn khác, tất cả những gì chúng tôi có chỉ là một ý tưởng. Chúng tôi lúc đó không hề có chút khái niệm nào về thế giới bất động sản hay quản trị quyền sở hữu. Chúng tôi cũng chỉ biết chút ít về kỹ xảo, thành lập diễn đàn công nghệ và sản phẩm. Tất cả bắt đầu bằng việc viết một bản kế hoạch kinh doanh để tham gia dự thi tại trường đại học, và chúng tôi đoạt giải. Từ đó trở đi là một quá trình dài học hỏi về lĩnh vực mà chúng tôi vừa mới ngơ ngác nhảy vào.
Chúng tôi thành lập công ty năm 2003, nhưng tận 5 năm sau mới ký được hợp đồng lớn đầu tiên. Chặng đường phát triển ì ạch chủ yếu là do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong ngành. Lúc đó chỉ là một cậu sinh viên ngây ngô, tôi không nghĩ chặng đường đó lại kéo dài đến thế. Những chuyện như phải làm việc hơn 14 giờ một ngày là bình thường. Đó là quãng thời gian cực nhọc, cũng vui thật đấy, nhưng 6 năm sau nhìn lại chúng tôi vẫn chẳng thấy có đồng nào. Thế là chúng tôi tái đầu tư những đồng xu cuối cùng vào kinh doanh và những thứ đã học được trong thời gian dài, nhưng lần này chúng tôi nỗ lực để trở thành những tay chuyên nghiệp trong ngành, và cuối cùng cũng được đền đáp.
Bỏ lại sự sợ hãi nơi cánh cửa
Điều tuyệt vời nhất khi trở thành những doanh nhân trẻ và non nớt đó là chúng tôi chẳng biết sợ là gì. Từ nhỏ, Dave và tôi sinh ra đã là những tên láu cá. Chúng tôi thậm chí còn cho rằng mình là những đứa đầu tiên đã nghĩ ra trò chơi khăm “Ê-tiền kìa” (vâng, cách chơi hệt như tên của trò chơi vậy). May mà cái tính hài hước này của chúng tôi cũng chín chắn hơn đáng kể theo năm tháng. Mặc dù những trò chơi khăm ngày xưa đôi khi có mang chút hiếu thắng và tự cao, nhưng chúng đã dạy chúng tôi rằng đừng sợ những ranh giới nghiêm ngặt trong xã hội. Điều đó quyết định không nhỏ đến việc chúng tôi đã chẳng ngán gì mấy công ty đã hoạt động trong ngành cả 3 chục năm trời – trong khi mà chúng tôi vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường.
Cũng chẳng có gì đáng tự hào về những trò bọn tôi đã làm khi còn là những đứa tuổi teen, nhưng cái đáng nói ở đây là đừng sợ làm những điều điên rồ, hãy để chúng dẫn bạn đến thành công. Khi mà chúng tôi đoạt giải trong cuộc thi kế hoạch kinh doanh – cái mà sau đó đã biến chúng tôi thành một công ty đủ lông đủ cánh – chúng tôi đơn giản là biết quá ít để mà sợ. Chúng tôi lúc đó là những cậu sinh viên non nớt đi đối đầu với những thạc sỹ quản trị kinh doanh và những sinh viên của Harvard. Nhìn bề ngoài, chúng tôi chẳng có gì để mà cạnh tranh với họ, nhưng điều đó cũng chẳng làm chúng tôi nhụt chí. Và chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng.
Khi quyết định mang bản kế hoạch kinh doanh thắng cuộc đi để biến nó thành một công ty thực sự, chúng tôi đã chẳng e dè tìm hiểu về thực trạng và sau đó tạo ra công nghệ để cách mạng trong cả ngành.Thực tế thì chúng tôi chỉ đơn giản (và ngây thơ) nghĩ rằng chúng tôi có khả năng thắng được những ông lớn. Thế mà lại được thật.
Cũng chẳng dễ dàng gì. Có những lúc khi mà công ty mới bắt đầu hoạt động, tôi cảm thấy mình đang giả bộ đóng vai một ông sếp loại điển hình mà tôi vẫn hay tưởng tượng trong thế giới doanh nhân. Phải mất một thời gian tôi mới tìm ra được phong cách lãnh đạo mà mình muốn trở thành, kiểu công ty mà chúng tôi muốn tạo nên. Cuối cùng, chúng tôi bỏ qua tất cả và quyết định cứ là chính mình mà thôi.
Trong thuở ban đầu khi làm dịch vụ online cho bán lẻ trước Entrata, chúng tôi có nhờ bạn bè giúp đỡ để gấp thư. Chúng tôi trả công họ bằng Pizza. Cách tiếp cận tương tự như vậy cũng được áp dụng khi mà Entrata còn quá nhỏ để gây được chú ý. Trong buổi trình diễn thương mại đầu tiên của chúng tôi, chúng tôi làm mọi cách để nổi bật, mặc dù chúng tôi chỉ là một cái tên nhỏ bên cạnh toàn các tổ chức tầm cỡ. Bọn tôi đi giày Vans cổ điển màu đỏ rực rỡ bước trên sàn diễn, và thuê mấy anh nhảy break-dance để gây chú ý thay vì chi hàng ngàn đô la tài trợ chỉ để tên được xuất hiện trên một mảnh giấy ăn. Sau đó, bọn tôi thuê 100 nhân viên tạm thời chỉ để trình diễn và khiến công ty trông hoành tráng hơn hẳn.
Kể từ đó đến nay, chúng tôi đã tạo nên một nền văn hóa nội bộ mạnh, tập trung vào những giá trị riêng biệt, marketing du kích và sự nguyên bản. Hiện tại, người ta biết đến của công ty chúng tôi với một “tính cách” riêng. Khách hàng là một phần trong gia đình của chúng tôi, và họ đi giày Vans đỏ cổ điển cùng chúng tôi đến mọi sàn diễn thương mại và sự kiện. Chúng tôi thích sự vui vẻ. Nhưng hơn hết, có một điểm chung mà tất cả các vị lãnh đạo của các công ty thành công đều có, đó là sự cống hiến hết mình.
Hãy tìm ra xem mình là kiểu lãnh đạo nào và mình muốn xây dựng kiểu công ty như thế nào. Và hãy cứ là chính mình. Nếu làm việc chăm chỉ và hướng đến điều đó, ai cũng có tiềm năng để làm được những điều lớn lao.
Nguồn: Entrepreneur.com