Nếu nhìn vào danh sách các thành phố ở nước Mỹ xếp theo dân số, thì số lượng startup thành công trên đầu người chênh lệch rất lớn theo độ lớn của thành phố. Kiểu như hầu hết các địa phương đều đã bị xịt thuốc diệt startup vậy.
Tôi đã nghĩ về điều này suốt mấy năm qua. Tôi có thể tưởng tượng như các thành phố nhỏ trông cứ như một cái nhà nghỉ xoàng cho tham vọng khởi nghiệp vậy: những con người thông minh và đầy tham vọng bước vào, nhưng rồi không một startup nào bước ra. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ có thể tìm ra chính xác chuyện gì đã xảy ra trong cái nhà nghỉ ấy. Điều gì đã giết hết những startup tiềm năng vậy? [1]
Vài tuần trước, cuối cùng thì tôi cũng tìm ra nguyên do. Tôi đã đặt sai câu hỏi. Vấn đề không phải là các thành phố nhỏ giết startup. Vấn đề là startup thì mặc định là chết, và hầu hết các thành phố nhỏ thì không cứu nổi các startup này. Thay vì nghĩ rằng hầu hết các nơi đều bị xịt thuốc diệt startup, thì chính xác hơn phải nhìn thế này: các startup đều mặc định là có thuốc độc trong người, và có rất ít thành phố có thuốc giải độc cho startup uống.
Các startup ở đâu thì vẫn cứ làm công việc cơ bản nhất của startup thôi: thất bại. Câu hỏi đúng là: vậy điều gì là thứ cứu mạng startup, như Thung lũng Silicon vẫn đang làm? [2]
Môi trường
Tôi nghĩ rằng có hai thành tố quan trọng trong thuốc giải độc: thành phố có thuốc giải phải là nơi mà khởi nghiệp là thứ rất hay ho để làm, và nó phải chứa đựng cơ hội gặp gỡ những người có thể giúp người đang khởi nghiệp. Và thứ tạo ra hai thành tố đó là số lượng người khởi nghiệp tập trung ở mỗi thành phố.
Thành tố thứ nhất rất có ích trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, nghĩa là giai đoạn giữa việc thích khởi nghiệp và thực sự bắt tay vào khởi nghiệp. Đó là một bước nhảy vọt trong quá trình khởi nghiệp. Và cũng là một công việc bất thường. Thế nhưng, ở Thung lung Silicon, đó là một điều hết sức bình thường. [3]
Ở hầu hết các nơi, nếu bạn khởi nghiệp, người ta sẽ nghĩ, chắc là hắn thất nghiệp nên mới làm thế. Người ở Silicon thì không tự động ấn tượng khi nghe rằng bạn đang khởi nghiệp, nhưng họ sẽ chú ý. Bất kì ai ở đây đủ lâu sẽ biết không nên mặc định phải nghi ngờ bất kì tay khởi nghiệp nào, dù họ có thiếu kinh nghiệm, hay ý tưởng của họ có tồi tệ cỡ nào. Những con người ở Silicon đã thấy quá nhiều nhà sáng lập thiếu kinh nghiệm với các ý tưởng viển vông trở thành tỉ phú rồi.
Khi những người xung quanh quan tâm bạn đang làm gì, thì bạn đã được tiếp thêm một sức mạnh phi thường. Ngay cả những người giàu ý chí nhất cũng cần đến sức mạnh này. Một năm sau khi chúng tôi mở Y Combinator (một lồng ấp cho startup), tôi đã nói với một người ở một quỹ đầu tư mạo hiểm một điều gì đó khiến anh ấy tưởng nhầm rằng tôi lại đang khởi sự startup mới. Anh ấy phản hồi mạnh mẽ đến nỗi tôi bỗng dưng nghĩ, hay là mình nên startup tiếp thật nhỉ?
Ở hầu hết các thành phố, việc khởi nghiệp có vẻ ảo tưởng. Ở Silicon, thì nó hoàn toàn thực tế và hợp thời. Dĩ nhiên xu hướng này cũng khiến nhiều người lao vào khởi nghiệp khi họ đáng ra không nên khởi nghiệp. Nhưng tôi nghĩ cũng không sao. Không nhiều người phù hợp cho việc khởi nghiệp, và rất khó đoán trước ai là người phù hợp (tôi quá rành về việc đoán ai sẽ là người thành công rồi, không ổn đâu), nên việc nhiều người có vẻ không phù hợp lao vào khởi nghiệp là một việc rất tốt. Ngay vào giai đoạn mà bạn có thể chịu được rủi ro thất bại, thì để biết mình có khởi nghiệp được không, cách tốt nhất là lao vào khởi nghiệp thật.
Cơ hội
Thành tố thứ hai của thuốc giải độc là cơ hội gặp gỡ những người có thể giúp bạn. Thành tố này phát huy tác dụng ở cả hai giai đoạn: giai đoạn chuyển từ muốn khởi nghiệp sang khởi nghiệp, và từ khởi nghiệp đến thành công. Cơ hội gặp gỡ sẽ biến thiên nhiều hơn thành tố thứ nhất (mọi người quan tâm tới khởi nghiệp), nghĩa là nó cũng giống như phóng xạ vậy, ảnh hưởng tới mọi người như nhau, nhưng khi lượng cơ hội gia tăng, hiệu quả của nó sẽ tăng lên cấp số nhân.
Cơ hội gặp gỡ sẽ tạo ra phép màu cho những thảm họa. Ở Silicon, các startup gặp chuyện không hay suốt, cũng như các startup ở bất kì đâu thôi. Lý do startup ở Silicon sống sót nhiều hơn chính là vì ở đây, cơ hội nhiều hơn.
Ví dụ, bạn mở một trang web cho sinh viên đại học, và quyết định đến Thung lũng Silicon vào mùa hè để xây dựng trang này. Rồi trên con đường xinh đẹp ở Palo Alto, bạn chợt gặp phải Sean Parker, một gã rất hiểu rõ về cái bạn đang làm, vì Sean cũng đã khởi nghiệp y như bạn. Gã cũng quen nhiều nhà đầu tư nữa. Còn may mắn hơn, vào năm 2004, các nhà sáng lập vẫn có thể giữ quyền kiểm soát công ty… (Bạn biết là chuyện của ai rồi đấy.)
Bạn không thể nói chính xác phép màu đến với mình sẽ làm gì, thậm chí cũng chả biết sẽ có phép màu hay không. Tuy nhiên, nếu bạn ở một trung tâm khởi nghiệp, thì những thứ tốt đẹp khó ngờ sẽ xảy ra với bạn, nhất là khi bạn xứng đáng nhận được phép màu.
Tôi dám chắc đây là điều đã xảy ra với các startup chúng tôi đã đầu tư. Tất cả đều cật lực làm việc để mọi thứ xảy ra theo ý đồ, thay vì gặp may từ trên trời rơi xuống. Tuy nhiên, cơ hội gặp gỡ ở Thung lũng Silicon quá nhiều, đến nỗi nó đã giúp gia tăng hiệu quả cho những thứ chúng tôi làm rất nhiều.
Cơ hội gặp gỡ tạo nền tảng phát triển quan hệ cũng như là ngâm mình trong bồn tắm tạo nền tảng cho những suy nghĩ của bạn vậy. Quan trọng là trong cả hai trường hợp, liều lượng là vừa đủ. Cuộc gặp gỡ giữa Larry Page và Sergey Brin là ví dụ điển hình. Họ đã gặp người cộng sự có rất nhiều điểm chung.
Đối với Larry Page, thành tố quan trọng nhất cho thuốc giải của Google là Sergey Brin, và ngược lại. Thuốc giải ở đây là con người. Cơ sở hạ tầng, thời tiết, hay bất kì thứ gì tương tự của Thung lũng Silicon không làm nên thuốc giải. Những thứ như cơ sở hạ tầng giúp mọi thứ bắt đầu, nhưng thứ giúp cộng đồng khởi nghiệp có thể tự tồn tại chính là con người.
Rất nhiều nhà quan sát phát hiện ra rằng thứ tạo nên khác biệt của cộng đồng khởi nghiệp là mức độ hỗ trợ lẫn nhau giữa người với người trong cộng đồng. Họ giúp mà không cần lấy lại bất kì thứ gì. Tôi không rõ vì sao lại vậy. Có thể vì khởi nghiệp không phải là trò chơi tổng bằng không (zero-sum game) như các kiểu kinh doanh khác; nói cách khác, startup ít khi chết vì đối thủ cạnh tranh. Hoặc có thể vì nhiều nhà khởi nghiệp xuất thân là dân khoa học, tức là từ môi trường mà sự hợp tác được đề cao.
Phần lớn Y Combinator được cấu tạo để phát triển quá trình này. Chúng tôi giống như một Thung lũng Silicon bên trong Thung lũng Silicon vậy. Ở đây tập trung rất nhiều người khởi nghiệp, và xu hướng giúp đỡ nhau giữa họ cũng được nâng lên theo cấp số nhân.
Các con số
Cả hai thành tố của thuốc giải kể trên (một môi trường khuyến khích khởi nghiệp, và cơ hội gặp gỡ những người có thể giúp đỡ) đều xuất phát từ cùng một thứ: số lượng người khởi nghiệp xung quanh bạn. Để tạo nên một trung tâm khởi nghiệp, bạn cần rất nhiều người quan tâm đến khởi nghiệp.
Có ba lý do. Thứ nhất, rõ ràng, nếu không có sự tập trung đủ lớn, cơ hội gặp gỡ sẽ không bao giờ có. [4] Thứ hai, các startup khác nhau cần nhiều thứ khác nhau, thế nên cần rất nhiều người để cung cấp cho mỗi startup thứ họ cần nhất. Sean Parker là thứ Facebook cần vào năm 2004. Một startup nào đó khác sẽ lại cần một gã chuyên về cơ sở dữ liệu, hoặc một gã có quan hệ với dân điện ảnh chẳng hạn.
Đó là lí do vì sao chúng tôi đầu tư vào rất nhiều công ty khởi nghiệp. Cộng đồng càng lớn, cơ hội gặp người có thứ bạn cần cũng sẽ lớn dần theo.
Lý do thứ ba cần phải có rất nhiều người để tạo trung tâm khởi nghiệp là, một khi đã có đủ người quan tâm đến cùng một vấn đề, thì người ta sẽ bắt đầu lập ra các quy chuẩn xã hội. Đó là một thứ quý giá. Khi đó không khí khởi nghiệp nơi bạn sống thúc đẩy bạn tiến lên. Nếu bạn sống nơi khác, việc khởi nghiệp sẽ có vẻ quá tham vọng. Ở nhiều nơi, xã hội lại kéo chân bạn xuống.
Mấy ngày trước, tôi bay tới khu vùng vịnh (Bay Area, San Francisco). Tôi để ý thấy mỗi lần bay ngang qua Thung lũng Silicon, tôi lại có cảm giác có điều gì đó hay ho đang xảy ra. Rõ ràng bạn có thể cảm thấy sự phồn thịnh khi nhìn vẻ bề ngoài tươm tất. Tuy nhiên, còn có nhiều loại phồn thịnh khác. Thung lũng Silicon không giống như Boston, New York, LA, hay DC. Tôi đã thử hỏi mình rằng nên dùng từ nào để diễn tả cảm giác ở Silicon. Cuối cùng tôi chọn một từ: lạc quan.
Ghi chú
[1] Tôi không nói rằng không thể thành công ở thành phố có ít startup, chỉ là khó hơn thôi. Nếu bạn giỏi đủ để tự tạo tinh thần cho chính mình, bạn có thể tồn tại mà không cần sự cổ vũ bên ngoài. Wufoo khởi nghiệp ở Tampa, họ vẫn thành công bình thường. Tuy nhiên, họ là ngoại lệ.
[2] Đáng chú ý là, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các startup. Hầu hết mọi tham vọng đều thất bại, trừ khi người có tham vọng ấy tìm được đúng cộng đồng để tồn tại.
[3] Khởi sự một công ty rất thường thấy, nhưng khởi sự một startup lại hiếm. Tôi đã nói về sự khác nhau giữa hai việc này ở bài viết khác. Nói tóm gọn, startup là một doanh nghiệp được thiết kế để nhân rộng (designed for scale). Hầu hết các doanh nghiệp không nhân rộng được, trừ vài trường hợp cá biệt.
[4] Khi đang viết bài này, tôi gặp một chuyện cho thấy sự tập trung dân khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Tôi và Jesssica đạp xe đến Đại học Ave ở Palo Alto để ăn trưa ở quán Oren’s Hummus. Khi bước vào, tôi gặp Charlie Cheever (đồng sáng lập Quora) ngồi gần cửa. Selina Tobaccowala (CTO của SurveyMonkey) đi ngang và chào. Rồi Josh Wilson (đồng sáng lập Tsumobi (?)) đến mua đồ ăn mang đi. Ăn trưa xong chúng tôi đi ăn sữa chua. Trên đường đi, chúng tôi gặp Rajat Suri (sáng lập E la Carte). Tới quán sữa chúng thì chúng tôi thấy Dave Shen (sáng lập quỹ Dave Shen Ventures), rồi khi bước ra khỏi quán thì lại gặp Yuri Sagalov (sáng lập AeroFS). Chúng tôi đi với nhau vài dãy nhà, rồi gặp Muzzammil Zaveri (thành viên của TechCrunch), rồi lại gặp Aydin Senkut (sáng lập quỹ Felicis Ventures). Đây là chuyện thường ngày ở Palo Alto. Tôi chẳng cần phải cố ý hẹn ai; tôi chỉ đang đi ăn trưa thôi. Và tôi chắc rằng cứ mỗi nhà sáng lập hay nhà đầu tư tôi quen, thì tôi lại đi ngang 5 người tôi không quen nữa. Nếu Ron Conway (nhà đầu tư thiên thần nổi tiếng nhất nhì Thung lũng Silicon) đi cùng chúng tôi, anh ấy có thể gặp đến 30 người quen.
Hạo Nhiên