Cách tốt nhất để nghĩ ra các ý tưởng khởi nghiệp là tự đặt câu hỏi cho mình: Ta muốn người khác làm gì cho mình?
Có hai loại ý tưởng khởi nghiệp: (1) ý tưởng phát triển hữu cơ xuất phát từ chính cuộc sống của người có ý tưởng đó, và (2) ý tưởng phát triển từ nhu cầu của một lớp người khác, không phải là bản thân người có ý tưởng.
Apple là loại thứ nhất. Apple ra đời bởi vì Steve Wozniak muốn có một cái máy tính. Không giống hầu hết những người muốn có máy tính khác, ông có thể tự thiết kế cho mình một cái. Và vì nhiều người khác cũng muốn có cái máy tính như ông, thế nên công ty Apple phát triển. Ngày nay người ta vẫn dựa trên nguyên tắc này: iPhone là chiếc điện thoại mà Steve Jobs muốn dùng. [1]
Cơ sở khởi nghiệp của chính chúng tôi, Viaweb, là loại thứ hai. Chúng tôi làm phần mềm giúp người khác xây dựng các cửa hàng trực tuyến. Bản thân chúng tôi không cần phần mềm này. Chúng tôi không phải là dân marketing trực tiếp. Khi mới làm phần mềm này, chúng tôi thậm chí còn không biết khách hàng của mình được gọi là dân “marketing trực tiếp.” Có điều khi bắt đầu mở Viaweb, chúng tôi đã tương đối già (tôi thì 30 còn Robert Morris 29), vì vậy chúng tôi đã trải nghiệm đủ nhiều để biết người dùng sẽ cần loại phần mềm này. [2]
Không có đường ranh rõ ràng giữa hai loại ý tưởng, nhưng các startup thành công nhất dường như gần với kiểu Apple (loại thứ nhất) hơn kiểu Viaweb. Khi viết trình biên dịch (chương trình chuyển ngôn ngữ lập trình sang ngôn ngữ máy) đầu tiên cho Altair, Bill Gates đã viết cái mà ông muốn sử dụng. Larry và Sergey cũng vậy khi viết các phiên bản đầu tiên của Google.
Ý tưởng hữu cơ (loại thứ nhất) nhìn chung là tốt hơn loại thứ hai, đặc biệt là đối với các nhà sáng lập trẻ tuổi. Những ý tưởng dở nhất mà chúng tôi thấy tại Y Combinator (vườn ươm khởi nghiệp của tác giả) là từ những người sáng lập trẻ lao vào làm những điều mà họ đoán là người khác sẽ cần.
Vậy nếu bạn muốn khởi nghiệp và vẫn chưa biết mình định sẽ làm gì, theo tôi, đầu tiên bạn nên tập trung vào những ý tưởng hữu cơ. Trong cuộc sống hằng ngày của chính bạn, có gì còn thiếu hay chưa ổn không? Đôi khi chỉ cần đặt câu hỏi là bạn sẽ có ngay những câu trả lời. Khi Bill Gates viết trình biên dịch cho Altair, rõ ràng ông đã thấy nếu chỉ có thể lập trình bằng ngôn ngữ máy là một điều quá không ổn.
Bạn có thể cần phải thoát ra khỏi bản thân một chút để thấy sự bất ổn, bởi người ta có xu hướng quen với sự bất ổn hay thiếu sót và xem nó là điều bình thường. Tuy vậy, tôi có thể chắc chắn là sẽ tồn tại sự bất ổn đâu đó thôi. Luôn có những ý tưởng tuyệt vời nằm ngay trước mũi ta. Vào năm 2004, thật khôi hài khi sinh viên Harvard vẫn còn xài các quyển kỷ yếu in giấy. Thật là có gì đó không đúng: lẽ ra cái loại kỷ yếu này phải được nằm trên mạng chứ nhỉ?
Ngay lúc này đây, rõ ràng là có những ý tưởng nằm đâu đó quanh đây thôi. Lý do ta không nhìn thấy cũng giống lý do ta đã không thấy ý tưởng xây dựng Facebook hồi năm 2004: ý tưởng khởi nghiệp hữu cơ lúc đầu thường không có vẻ gì là ý tưởng khởi nghiệp cả. Bây giờ chúng ta biết rằng Facebook đã rất thành công, nhưng hãy đặt mình trở lại năm 2004. Việc đưa hồ sơ sinh viên lên mạng lúc đó không có vẻ gì là một ý tưởng khởi nghiệp cả. Và thực tế, ban đầu nó không phải là một ý tưởng khởi nghiệp. Mùa đông mới đây, vào một bữa ăn tối ở Y Combinator, Mark có nói nói rằng lúc viết phiên bản Facebook đầu tiên, anh còn không nghĩ rằng mình sẽ lập công ty nữa kìa. Đó chỉ là một dự án. Apple I cũng vậy đối với Woz, ông không nghĩ là mình đang khởi đầu một công ty. Nếu lúc đó mà những gã này nghĩ rằng mình định mở công ty, thì họ có thể đã bị cám dỗ để làm một cái gì đó “nghiêm túc” hơn, và có thể đã sai lầm.
Vậy nếu bạn muốn đến với những ý tưởng khởi nghiệp hữu cơ, tôi khuyến khích bạn tập trung nhiều hơn vào mảng ý tưởng và ít hơn vào mảng khởi nghiệp. Chỉ cần sửa lại những thứ có vẻ không ổn, bất kể nó có phải là vấn đề đủ quan trọng để xây dựng một công ty hay không. Nếu bạn tiếp tục theo đuổi các đầu dây như vậy, thì cuối cùng chắc chắn sẽ làm ra được một cái gì đó có giá trị cho nhiều người, và khi đã làm rồi thì, ngạc nhiên chưa, bạn đã có một công ty! [3]
Đừng nản chí nếu những gì bạn tạo ra ban đầu bị người khác bỏ đi như một món đồ chơi. Trên thực tế, đó là một dấu hiệu tốt. Đó có thể là lý do tại sao tất cả những người khác đã không nhìn ra ý tưởng của bạn. Các máy vi tính đầu tiên bị thải bỏ như đồ chơi. Những chiếc máy bay hay xe hơi đầu tiên cũng thế. Chúng ta dừng ở điểm này một chút: khi ai đó mang đến cho ta một sản phẩm người dùng rất thích, nhưng lại bị mọi người coi thường, bảo rằng sản phẩm ấy chỉ là đồ chơi vớ vẩn, thì đó chính là sản phẩm đặc biệt ta nên đầu tư vào.
Trong lúc nhà sáng lập trẻ thường bất lợi trong việc nghĩ ra những ý tưởng ở nhóm 2, thì họ lại là nguồn ý tưởng hữu cơ dồi dào nhất, vì họ đang là những kẻ tiên phong trong giới công nghệ. Họ sử dụng các công cụ mới nhất. Họ chỉ việc quyết định nên sử dụng cái gì. Và bởi vì họ là những người tiên phong trong việc sử dụng các công cụ mới nhất, nên họ có nhiều khả năng khám phá ra những thứ còn thiếu có giá trị để lấp vào chỗ trống.
Không gì quý giá hơn một nhu cầu chưa được đáp ứng mà có thể đáp ứng được. Nếu bạn tìm thấy một cái gì đó chưa ổn mà mình có thể sửa chữa được cho nhiều người, tức là bạn đã tìm thấy một mỏ vàng rồi đấy. Và cũng như với một mỏ vàng thực sự, bạn vẫn phải làm việc chăm chỉ để đào được vàng ra. Nhưng ít nhất bạn đã biết đầu mối ở đâu, và đó chính là chỗ khó.
Ghi chú của tác giả:
[1] Điều này cũng cho thấy một cách để dự đoán những lĩnh vực mà Apple sẽ yếu: đó là những thứ Steve Jobs không sử dụng. Ví dụ, tôi nghi ngờ ông ta về cái khoản game.
[2] Nhìn lại quá khứ, lẽ ra chúng tôi nên làm marketing trực tiếp luôn. Nếu được làm lại Viaweb, tôi sẽ mở cửa hàng trực tuyến của chính mình. Nếu hồi đó chúng tôi có dùng cửa hàng trực tuyến, chúng tôi lẽ ra đã hiểu người dùng rõ hơn rất nhiều. Tôi muốn khuyến khích bất cứ ai khởi nghiệp cũng nên trở thành một trong những người dùng, dù điều đó có vẻ không được tự nhiên đi nữa.
[3] Có thể có ngoại lệ: Thật khó để cạnh tranh trực tiếp với các phần mềm mã nguồn mở. Bạn có thể xây dựng những thứ cho các lập trình viên, nhưng phải có phần nào đó bạn có thể tính phí.
Lời bình: Ý của Paul Graham có thể tóm lại như sau:
1. Nếu chưa biết khởi nghiệp gì, thì hãy nghĩ về những thứ mình cần, thay vì đoán những thứ người khác sẽ cần. Ta hiểu rõ bản thân mình nhất, vậy thì hãy bắt đầu tìm nhu cầu của chính mình, vị khách hàng dễ thấu hiểu nhất.
2. Ý tưởng khởi nghiệp xung quanh mình, không cần đi đâu xa. Chỉ cần biết quan sát và tư duy khách quan là đủ.
3. Nên bắt đầu khởi nghiệp bằng tư duy giải quyết vấn đề, thay vì tư duy lập công ty làm ăn và làm giàu. Tư duy làm giàu vẫn tốt, nhưng đa phần nó sẽ không giúp đi được xa và đúng hướng.
Ecolaber