Nền kinh tế Việt Nam đang trong đà phát triển, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nhu cầu tiêu dùng bởi vậy cũng đa dạng và cao cấp hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sức sản xuất và nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp. Điều này hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng cho ngành quảng cáo.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty trong và ngoài nước đang thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển. Nếu không sử dụng có hiệu quả quảng cáo, một công ty sẽ nhanh chóng bị công ty khác chiếm mất thị phần. Quảng cáo là hoạt động không thể thiếu với bất cứ công ty, doanh nghiệp nào trong hành trình phát triển và khẳng định vị thế của mình.
- Đòi hỏi cao
Nghề Quảng cáo là lĩnh vực được xem là khá phát triển và thịnh hành hiện nay, đòi hỏi khả năng hiện thực hóa những ý tưởng thành thực tế.
Nghệ sĩ tính + logic tính + truyền thông = nghề quảng cáo
Để được xem là một “nghề”, nghề quảng cáo phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản như: phải bỏ sức lao động và chiếm dụng một khoảng thời gian nào đó nhất định trong ngày; đòi hỏi một khóa huấn luyện đào tạo, ở một số nước còn phải có giấy phép hành nghề do các tổ chức này cấp ngoài bằng tốt nghiệp; công việc không trái với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Ngoài các chuẩn mực chung này, nghề quảng cáo còn có thêm một số yêu cầu khác như:
Người làm nghề cần có các khả năng về nghệ thuật (viết văn, vẽ, âm nhạc, điện ảnh, …). Nếu không có khả năng sáng tác, ít nhất cũng phải có khả năng cảm nhận nghệ thuật, biết phân biệt đẹp/xấu, hay/dở. Nói một cách khác, nghề quảng cáo yêu cầu một ít “nghệ sĩ tính”.
Khả năng truyền thông: có khả năng hiểu người khác (ở đây là khách hàng), và khả năng diễn đạt lại ý tưởng của mình cho khách hàng. Khả năng truyền thông còn hàm ý rằng người làm nghề quảng cáo cần dung nạp ý kiến của người khác trong khi vẫn phải phát triển được ý tưởng mang tính sáng tạo của mình.
Tư duy logic và khả năng làm việc chính xác (đúng giờ, biết tính toán, có kế hoạch).
Kiến thức rộng rãi, bao quát nhiều mặt của cuộc sống.
Một điều rất dễ nhận thấy là các yêu cầu này rất khó “sống chung” với nhau: vừa yêu cầu nghệ sĩ tính, vừa đòi hỏi tư duy logic, chính xác …; vừa đòi hỏi tính sáng tạo (mang dấu ấn cá nhân), vừa yêu cầu dung nạp ý kiến của người khác … nhưng đây chính là những điểm “đặc trưng” nhất của nghề quảng cáo.
- Cơ hội làm việc lớn
Tính đến năm 2004, nước ta có khoảng trên dưới 1.000 doanh nghiệp quảng cáo trong nước và hơn 30 doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài. Cùng với những tập đoàn lớn như CocaCola, Pepsi, Unilever, P&G…, các công ty quảng cáo nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó có những “người khổng lồ” trong ngành công nghiệp quảng cáo thế giới như Thomson, Sattchi v.v…
Trong khi đó, số chuyên gia quảng cáo tại nước ta chưa nhiều, đặc biệt là những chuyên gia được đào tạo bài bản. Bởi vậy, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn và còn nhiều tiềm năng mở rộng, giống như câu khẩu hiệu của hiệp hội quảng cáo, “khi quảng cáo hoạt động, hàng triệu người sẽ có việc làm”.
Quảng cáo là một lĩnh vực đòi hỏi khả năng sáng tạo rất cao và ý tưởng chính là mấu chốt của thành công. Bởi vậy, tuổi trẻ và sự năng động của bạn chính là một lợi thế khi tham gia vào nghề nghiệp này. Hầu hết những nhà quảng cáo thành đạt hiện nay ở Việt Nam còn rất trẻ.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các chức danh: nhân viên thiết kế, viết lời quảng cáo, giám đốc nghệ thuật… Mức lương rao tuyển từ 1,5-3 triệu đồng/tháng, người có kinh nghiệm từ 500-700 USD/tháng. Trong năm 2002, các công ty quảng cáo nhất là các công ty nước ngoài đều có nhu cầu tuyển nhân viên vào các chức danh như nhân viên thiết kế, viết lời quảng cáo, giám đốc nghệ thuật… Theo ông Dương Nguyễn Trường – Chánh văn phòng Hội Quảng cáo TPHCM: “Hiện nhân viên làm trong ngành quảng cáo được rao tuyển từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng. Riêng những người có kinh nghiệm, mức lương có thể lên đến từ 500-700 USD/tháng”.
Nếu như trước đây các hợp đồng quảng cáo đa phần được các công ty nước ngoài thực hiện, thì hiện nay từ các khâu thiết kế, trình bày mẫu mã sản phẩm phần lớn do các công ty quảng cáo trong nước đảm nhận. Bà Phạm Thị Lý, Trợ lý Nhân sự Công ty Quảng cáo Đất Việt – TPHCM, cho biết: Trong năm 2002, công ty có nhu cầu tuyển nhiều chức danh cho bộ phận thiết kế sáng tạo, nhân viên phục vụ khách hàng, nhân viên biên dịch phim, lên kế hoạch quảng cáo… Đối tượng được công ty tuyển dụng, ngoài kiến thức chuyên ngành phải là người trẻ (tuổi từ 23-30). Ông Huỳnh Thế Phong, một chuyên viên thiết kế quảng cáo ở một công ty nước ngoài, cho biết: Chức danh thiết kế mỹ thuật sẽ được các công ty quảng cáo rao tuyển nhiều nhất. Yêu cầu cơ bản cho chức danh này là phải năng động, luôn có ý tưởng mới và giỏi ngoại ngữ.
Trái ngược với một vài lĩnh vực, ngành nghề khác, quảng cáo là một thế giới trong đó những người có tài năng không bao giờ mất cơ hội có thu nhập cao dù người ấy còn rất trẻ hay có thâm niên thấp. Vấn đề nằm ở khả năng sáng tạo của bạn.
- Nghề quảng cáo – Biến hóa trong thời đại kỹ thuật số
Máy vi tính và các công nghệ mới xuất hiện đã làm biến đổi mãnh liệt các bộ môn nghệ thuật, từ hội họa, nhiếp ảnh, truyền thông chuyển sang Pop art, từ nghệ thuật biểu diễn thông thường đến thành trình diễn Multimedia …
Quảng cáo cũng chuyển mình theo. Ngày nay, người ta không còn thấy những bài viết quảng cáo dài dằng dặc nữa, thay vào đó là những hình vẽ sắc sảo, hình chụp và xử lý ghép với những góc độ phi thực tế, những đoạn phim ngập tràn kỹ xảo After Effects, hình ảnh sống động như thật với âm thanh làm thót tim … Tất cả chỉ cần một ý tưởng và một Studio đơn giản với một chiếc máy vi tính trong một xó nhà, góc bếp nào đó. Ý tưởng và kỹ thuật hòa quyện vào nhau. Các phầm mềm đồ họa 2D và 3D làm giảm nhẹ cường độ lao động, nhưng tăng cường gấp bội hiệu quả cho sản phẩm quảng cáo.
Phương tiện quảng cáo cũng xuất hiện nhiều điểm mới. Nếu trước đây quảng cáo chủ yếu là trên báo, truyền hình và các đài phát thanh, thì nay quảng cáo online đang là một hoạt động nở rộ và nhiều hứa hẹn. Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 được dự báo là kỷ nguyên của mạng Internet và điện thoại di động; trong đó, quảng cáo sẽ là hoạt động sôi nổi và mang về nhiều lợi nhuận nhất. Sự tập trung dân số về các thành phố lớn cũng làm phát triển các hình thức quảng cáo khác như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các phương tiện công cộng, …
- Cơ sở vật chất của Việt Nam còn lạc hậu so với các nước trên thế giới
Đây là khó khăn không dễ gì vượt qua. Các ý tưởng lạ và độc đáo thường tốn kém nhiều chi phí và đòi hỏi cao về cơ sở vật chất để thực hiện. Vì vậy, người làm quảng cáo Việt Nam nhiều khi chưa có cơ hội thả sức tung hoành với những ý tưởng lạ, những chi tiết tạo ấn tượng mạnh như mong muốn.
Không ít bạn trẻ vấp phải thử thách này khi bước vào nghề quảng cáo để rồi chán nản và rời bỏ niềm đam mê của mình. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, mọi sự đều có xuất phát điểm của nó, và nước ta đang trong đà phát triển. Trong tương lai không xa, những ý tưởng cầu kỳ của bạn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, nếu bạn biết cách “để dành” chúng hợp lý, bắt đầu với những thứ đơn giản hơn nhưng không kém phần hiệu quả.
Hiểu được những thách thức và cơ hội như vậy là bạn đã hiểu được một phần cuộc sống của những người làm quảng cảo ở Việt Nam.
Tiếp tục hành trình, mới bạn đến Hàng ghế số 5. Ở hàng ghế này, công việc của bạn là khám phá chính bản thân mình. Liệu tính cách, sở thích, nguyên tắc sống, năng lực… của bạn có hợp với nghề quảng cáo không?
- Nghề quảng cáo – Chiếc bánh to lớn
Do tính chất đa dạng, nghề quảng cáo đòi hỏi sự kết hợp nhiều ngành nghề, nhiều khả năng khác nhau mà một cá nhân không thể nào đảm đương nổi. Từ việc ngồi một chỗ suy nghĩ, sáng tạo, viết lời quảng cáo, đến việc khảo sát thị trường, … Từ người họa sĩ vẽ tay phác thảo, đến anh kỹ thuật viên thể hiện, xử lý layout trên máy tính …, tất cả đều là một bầy ông chăm chỉ củng chung tay xây dựng một sản phẩm vừa là một tác phẩm nghệ thuật, vừa mang đậm dấu ấn của công nghệ hiện đại.
Nói một cách vắn tắt, nghề quảng cáo bao gồm các công việc như sau: Giám đốc sáng tạo (Creative Director, người đề ra các ý tưởng), Giám đốc nghệ thuật (Art Director, có nhiệm vụ hiện thực hóa ý tưởng), Nhà thiết kế (Designer, thực hiện sản phẩm bằng công cụ máy tính), Kỹ thuật viên (in ấn, thợ thi công, …). Những công việc này đòi hỏi liên kết chặt chẽ và hiểu biết đầy đủ của từng bộ phận, đặc biệt 3 vị trí Creative Director, Art Director và Designer cần có sự đào tạo bài bản, đầy đủ và cập nhật.