Sau khi đắn đo không dứt vì Viber ở phần trước, tôi bắt đầu suy nghĩ sâu hơn.
Vì sao chúng ta không nghĩ ra “Viber” trước? Vì chúng ta không đủ am hiểu chiếc điện thoại thông minh, không đủ am hiểu các Mobile OS để có thể biết rằng có thể chọc ngoáy vào trong danh bạ, “bê” hết đống ấy sang”mảnh đất” mới. Một trong những điểm mà Viber được ưa thích là vì nó tự động sync danh bạ có sẵn của chúng ta trên điện thoại. Thử nghĩ xem bạn có dùng nó không nếu danh bạ là trống rỗng và bạn phải add lại từng người một. Không đời nào!
Khi khám phá ra điều này, tôi lại bắt đầu đi tìm câu hỏi, thế thì Mobile OS còn đang cho ta thứ gì mà ta chưa “bê” nó đi khai thác như Viber đã làm với cái gọi là danh bạ? Tôi nhấc cái điện thoại lên, chăm chú nhìn từng góc cạnh, từng phím bấm xung quanh thân máy rồi xoay xoay lắc lắc xem có rớt được ý tưởng nào ra không? Sau đó bắt đầu mở màn hình lên, vọc vào phần Setting, tôi đi vào từng ngõ ngách để tìm ánh sáng cuối đường hầm. Điện thoại còn có gì cho ta khai thác? Camera nè, camera thì để làm gì? Chụp ảnh. Chụp ảnh xong ta làm gì? Cất vào đâu đó lưu trữ, thế thì đã có Dropbox (tất nhiên có giải pháp khác ngoài Dropbox nhưng chỉ nêu cái tên tiêu biểu nhất, vì sao thì lát nữa nói), chia sẻ cho bạn bè thì đã có Instagram, chỉnh sửa thì có PhotoWonder. Có vẻ bế tắc, thôi tìm đường khác.
Làm được gì với Bluetooth không ta? Nhiều lắm, điều khiển máy lạnh, cửa, đèn, TV… tự động báo động khi pet chạy ra khỏi nhà, đưa con đi siêu thị mà nó chạy xa quá thì điện thoại cũng tự động rung lên… Nhưng để làm những cái này thì cần thêm thiết bị phần cứng ngoại vi.
Còn gì nữa? Instagram hot quá, chia sẻ ảnh thôi mà hot quá, còn cái gì chia sẻ được nữa ta? Chia sẻ cảm nghĩ thì anh Mark dành hết rồi, chia sẻ profile thì LinkedIn, chia sẻ presentation thì SlideShare, chia sẻ tài liệu nói chung thì có MegaUpload, Mediafire…
Chia sẻ công việc? Mảng này kể cả ngày cũng không hết, nào là Notes, AnyDo, Wunderlist, Trello, Horizonate, Basecamp, Asana, Evernote…
Quy tụ những người đi tìm việc làm, đã có Vietnamworks.com và KiemViec.com (nay là CareerBuilder.vn). Quy tụ profile đỉnh thì có LinkedIn, Anphabe. Quy tụ những thứ xả stress nhất thời thứ có 9GAG, HaiVL. Quy tụ ăn chơi du lịch thì có Agoda, Booking.com, Hotels.com… Thế giới quanh ta dường như đã bị vây kín. Còn kẻ hở nào cho mình?
Bạn đọc bài Chiếc bình thị trường đi, chiếc bình không bao giờ đầy!
Chứng kiến sự bùng phát của Viber, WhatsApp, Zalo… lòng tiếc hùi hụi và lẩm bẩm rằng “Trời ơi tại sao mình không thể biết rằng có thể chôm danh bạ điện thoại để làm thứ này!”.
Tiếp tục chứng kiến trào lưu GrabTaxi, Uber và EasyTaxi, lại một nữa tại sao mình không nghĩ ra cái này trước người ta? Trong khi trước đó đã có những case study rành rành như Airbnb, Lyft… Nhà rộng quá, ở không hết thì đăng lên Airbnb mà kiếm thêm, chỉ có vậy thôi mà trang web này được định giá 10 tỷ USD, cao hơn giá trị vốn hoá của tập đoàn Accor với biết bao là bất động sản, khách sạn, tài sản hữu hình. Xe hơi 4 chỗ, 7 chỗ mà chỉ đi một mình phí quá thì cho thiên hạ đi cùng, thế là Lyft & Uber ra đời. Xe máy chí ít cũng dư một chỗ, thế là GrabBike ra đời. Hmm, đặc biệt GrabBike là sản phẩm VN nè, ủng hộ hàng VN đi bà con!
Vẫn là câu hỏi, liệu sau trào lưu chat chit của OTT, đến trào lưu chia sẻ của Airbnb, Lyft, GrabBike thì liệu còn có gì mới mẻ hay ho hấp dẫn nữa không? Chắc chắn là có, thế giới thay đổi không ngừng, nhất là thế giới công nghệ. Chỉ là hoặc chúng ta lười biếng hoặc chúng ta không đủ hiểu biết để khám phá ra cái gì mới trước thiên hạ. Mà có khi khám phá ra thì không dám làm. Chứ ý tưởng thì vô vàn. Có ý tưởng nhưng có dám làm? Dám làm nhưng có làm đúng? Làm đúng nhưng có gặp may mắn để thành công? Một rừng không hai cọp, chỉ có một kẻ dẫn đầu chiếm hết sân chơi. Kẻ dẫn đầu có thể là kẻ xuất phát đầu tiên nhưng cũng có thể là kẻ đi sau nhưng biết mình biết ta để điều chỉnh để có thế trận tốt hơn.
Ai đi sau nhưng tạo được thế trận tốt hơn?
Apple mãi 1/2007 mới tung ra chiếc điện thoại đầu tiên trong khi Motorola tung ra chiếc mobile đầu tiên vào tận 1973, cách nhau 34 năm vẫn có thể tạo nên vương triều mới.
Yahoo! Messenger sụp đổ, Skype tạm soán ngôi nhưng điều đó nhanh chóng trở thành dĩ vãng khi Slack vừa được định giá tỷ đô sau chưa đầy một tuổi.
Cuộc chiến đi xe khởi phát bằng Uber vào 2009 nhưng đến nay, đường đua này khốc liệt hơn bao giờ hết với Lyft, GrabTaxi, GrabBike, EasyTaxi và gần đây nhất là Hailo.
Có phần comment bên dưới, bạn có thể chia sẻ xem theo bạn, sau nền kinh tế chia sẻ, thế giới công nghệ sẽ chứng kiến làn gió gì mới?
Vũ Hoàng Tâm